Nghị luận về hiện tượng khủng bố có rất nhiều quan điểm khác nhau. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn 3 mẫu bài nghị luận xã hội về suy nghĩ về vấn đề khủng bố trong xã hội hiện nay.
Với tài liệu này bạn học sinh lớp 9 có thêm nhiều tư liệu tham khảo, kết hợp với kiến thức, hiểu biết xã hội của mình về nạn khủng bố, các em hãy trình bày những quan điểm, ý kiến của bản thân về vấn nạn toàn cầu này trong bài làm của mình. Chúc các bạn đạt được kết quả cao trong bài kiểm tả sắp tới
Dàn ý nghị luận về hiện tượng khủng bố
I. Mở bài
Nền hòa bình của thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn khủng bố.
II. Thân bài
1. Giải thích: Khủng bố là một hình thức đấu tranh xã hội cực đoan bằng bạo lực, dùng bạo lực làm thước đo mức độ đấu tranh.
2. Bàn luận:
– Biểu hiện: Khủng bố là một vấn nạn của toàn cầu.
+ Nạn khủng bố đang lan tràn trên khắp mọi khu vực của thế giới. Ngày nào cũng có cảnh đổ máu bởi khủng bố. Khủng bố đang là nỗi lo chung của tất cả các dân tộc.
+ Khủng bố nhà nước: bạo lực chính trị có tổ chức để tấn công một nhà nước khác;
+ Các tổ chức khủng bố: một nhóm người dùng bạo lực để gây sức ép đối với một thể chế chính trị, một bộ phận dân cư;
+ Khủng bố cá nhân: dùng hình thức bạo lực đối với cá nhân khác.
– Nguyên nhân: Lợi ích kinh tế, chính trị, quyền lực; xung đột không giải quyết được giữa các đảng phái, tôn giáo trong xã hội; sự ích kỉ, độc ác, vô nhân tính của con người, mâu thuẫn, xung đột chính trị giữa các quốc gia, dân tộc, các tổ chức, phe phái…
– Hậu quả: đe doạ nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống con người từ tính mạng đến của cải, từ vật chất tới tinh thần, khiến nơi nơi đều bao trùm một bầu không khí căng thẳng, hoảng loạn. Sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá… của các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi nguy cơ khủng bố…
– Giải pháp: Không lạm dụng bạo lực trong ngăn chặn khủng bố. Giải quyết tốt các vấn đề về lợi ích dân tộc, giai cấp, nhóm người trong xã hội… Tất cả mọi người, mọi quốc gia đều phải cùng thể hiện rõ quyết tâm đẩy lùi khủng bố bằng những biện pháp cụ thể; bảo vệ trái đất khỏi nạn khủng bố cũng chính là bảo vệ mái nhà chung của tất cả chúng ta.
+ Cần bắt đầu từ vấn đề gốc rễ của khủng bố: Cần nhận thức đúng đắn về lợi ích và giải quyết hài hòa những quan hệ lợi ích của các dân tộc, các giai cấp, các nhóm người xã hội.
+ Khủng bố là vấn đề toàn cầu, phức tạp, khó giải quyết, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của nhiều quốc gia và của toàn nhân loại nói chung.
+ Kết hợp những giải pháp mang tính chính trị, không lạm dụng bạo lực trong ngăn chặn khủng bố vì bạo lực sẽ nuôi dưỡng bạo lực. Thực tế cho thấy khi các tổ chức khủng bố bị dồn ép sẽ càng điên cuồng hơn và đẩy bạo lực lên trình độ cao, quy mô lớn hơn.
+ Ở mỗi quốc gia, cần xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng thực sự, không còn áp bức bóc lột để hạn chế những mâu thuẫn, xung đột.
3. Bài học nhận thức và hành động
– Nhận thức khủng bố là hành vi giải quyết xung đột tiêu cực, gây hại cho con người.
– Hành động: Nhận thức đúng vấn đề và tỉnh táo trước mọi hành động kêu gọi ủng hộ khủng bố của những kẻ cực đoan. Chuyên tâm học tập, rèn luyện đạo đức, sống yêu thương, chia sẻ với mọi người trong cộng đồng.
III. Kết bài
– Thế giới sẽ tươi đẹp hơn nếu như con người không đối đầu và tàn hại lẫn nhau.
– Bằng sự nỗ lực của các quốc gia trong công cuộc chống khủng bố, bằng tinh thần đoàn kết, tình yêu thương của con người với con người, ánh sáng hòa bình sẽ tỏa rạng khắp mọi nơi trên trái đất này và nỗi đau khủng bố sẽ mãi chìm trong quá khứ.
Nghị luận về hiện tượng khủng bố – Mẫu 1
Khao khát được sống trong hòa bình luôn là mong ước chính đáng của toàn nhân loại, ở đó con người sống chan hòa với nhau, không hận thù, không chiến tranh, chết chóc, không có những cuộc chia ly đẫm máu, không có mùi thuốc súng ngập tràn trong không khí, không có những đống đổ nát hoang tàn. Mà thay vào đó là viễn cảnh thái bình thịnh trị, người người nhà nhà ấm no, hạnh phúc, con cháu sum vầy, trẻ em vô tư cắp sách đến trường, người lớn đi làm, người già nghỉ ngơi, an hưởng cuộc sống. Thế nhưng ở đâu đó trên thế giới này vẫn hằng ngày diễn ra các cuộc khủng bố đẫm máu, các cuộc đánh bom liều chết, trở thành một trong những vấn nạn nhức nhối, đe dọa nền hòa bình thế giới.
Khủng bố là những hành động phá hoại có chủ đích, mà người gây ra sử dụng những lời nói, hành động, vũ trang, những chiêu trò mang tính bạo lực về cả thể xác và tinh thần nhằm gây nên những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác, đồng thời cũng gây tổn hại đến cơ số lớn những tài sản chung của xã hội. Mà ở đây các đối tượng bị nhắm vào là các thường dân vô tội, những người không hề có liên can hay thù hằn gì với các tổ chức khủng bố, nhưng họ lại là lực lượng đông đảo và dễ bị tấn công nhất. Địa điểm xảy ra khủng bố thường là nơi đông người qua lại, như khách sạn, nhà ga, sân bay, rạp chiếu phim, siêu thị,… Mục đích chủ yếu của các cuộc khủng bố chính là gây sức ép dư luận, tạo nên nỗi hoang mang sợ hãi trong nhân dân, từ đó làm lung lay chế độ chính trị của một quốc gia, dân tộc, với âm mưu phá hoại hoặc nhằm đạt được một mục đích nào đó dựa trên việc tạo sức ép từ tính mạng nhân dân vô tội, khiến các tổ chức chính trị phải dè chừng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng khủng bố, hay gặp nhất đó là ở các nhóm người sùng đạo, quá khích, muốn chống đối lại thế giới. Họ cho rằng việc khủng bố, giết người là hành động đúng đắn, là việc làm để giải thoát cho những con người u mê ngoài kia dưới góc nhìn điên cuồng của họ. Cũng có những cá nhân vì hận thù, chán nản, nghĩ rằng bản thân bị cả thế giới chối bỏ, nên quay ra trả thù, bằng việc khủng bố, liều chết. Ngoài ra cũng không ít các tổ chức khủng bố là vì phục vụ cho mục đích chính trị đen tối của mình, như các hành động trả đũa, nhằm vào các tổ chức chính phủ để đạt được những yêu sách mà các tổ chức khủng bố này đưa ra.
Hằng ngày, hằng giờ báo chí và thời sự vẫn thường đưa tin về các vụ khủng bố diễn ra trên thế giới. Đặc điểm chung nhất đó là hậu quả mà khủng bố gây ra đều rất nghiêm trọng và nặng nề, để lại sự hoang mang, khiếp sợ cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, đe dọa sự vững bền của nền hòa bình thế giới. Có ai nghĩ được rằng người thân của mình lại thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết, hay trong một vụ xả súng đẫm máu cơ chứ. Trên tất cả, những vụ khủng bố kinh hoàng đi qua đã để lại biết bao đau thương mất mát cho những người ở lại, những người may mắn sống sót thì cũng sẽ mang vết thương hằn sâu trong tâm hồn mãi mãi không thể chữa lành. Chưa kể đi kèm với những vụ khủng bố đó là những thiệt hại về cả vật chất, của cải, mà phải mất một thời gian khá dài để khắc phục những hậu quả do khủng bố gây ra. Có lẽ sẽ chẳng ai quên được cuộc tấn công tàn khốc và đẫm máu nhất lịch sử nhân loại diễn ra vào ngày 11/9/2001 tại New York, Mỹ, do tổ chức Hồi giáo cực đoan thực hiện. Vụ khủng bố đã khiến cho hàng chục ngàn người thương vong, với con số 2993 người thiệt mạng, 8900 người bị thương, phá hủy đi hai tòa nhà trung tâm thương mại thế giới, vốn là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ, đồng thời làm cho Lầu Năm góc bị hư hỏng nghiêm trọng. Vụ tấn công đã để lại nỗi kinh hoàng và đau xót khôn cùng cho người dân nước Mỹ, đồng thời cũng là nỗi sợ hãi cho toàn thể các dân tộc trên toàn thế giới, về sự liều lĩnh và nguy hiểm của các tổ chức khủng bố, đặc biệt là tổ chức Hồi giáo cực đoan. Trong những năm gần đây, nổi lên Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng viết tắt là IS, chúng ngang nhiên thách thức cả thế giới bằng cách quay các clip ghê rợn về việc xử tử con tin bằng hình thức chặt đầu vô cùng dã man, gây nên sự phẫn nộ và hoang mang trên toàn thế giới. Chúng sẵn sàng tiêu diệt tất cả những ai đi ngược lại với tôn chỉ, ý thức hệ và không chịu cải đạo Hồi theo lời dụ dỗ của chúng.
Khủng bố là một vấn đề nhức nhối đối với toàn nhân loại, để hạn chế được vấn nạn này trước hết nhà nước cần thắt chặt an ninh, tăng cường kiểm tra giám sát các phần tử khả nghi, đặc biệt là ở nơi công cộng, tập trung đông người, để đảm bảo an toàn cho người dân. Khi không may có xảy ra khủng bố, thì cần phải nhanh chóng khắc phục hậu quả, sơ tán người dân khẩn cấp, bắt giữ các đối tượng liên quan, nhằm tránh cho vụ khủng bố trở nên nghiêm trọng hơn. Chống khủng bố không phải là vấn để của riêng một quốc gia dân tộc nào cả, mà là nhiệm vụ của toàn nhân loại, các quốc gia phải tăng cường liên kết, phối hợp với nhau chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là trong tình hình chúng liên tục lan rộng và có dấu hiệu khủng bố xuyên quốc gia, xuyên lục địa. Gia đình, nhà trường và xã hội cần tích cực hơn trong việc giáo dục con em của mình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, giúp các em nhận thức được sự nguy hiểm của các tổ chức khủng bố, đồng thời có tấm lòng yêu thương con người, nhân hậu, vị tha, tránh đi những lối suy nghĩ cực đoan, lệch lạc.
Chống khủng bố và xóa bỏ các tổ chức này chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt trong những năm gần đây chúng lại càng có xu hướng bành trướng mạnh mẽ, dấy lên những mối quan ngại sâu sắc cho nền hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của việc chống khủng bố, mỗi chúng ta cần phải có ý thức yêu hòa bình, cùng chung tay góp sức góp phần đẩy lùi nạn khủng bố, trả lại một thế giới không chết chóc, chiến tranh, chỉ có cánh chim hòa bình, đẹp đẽ.
Nghị luận về hiện tượng khủng bố – Mẫu 2
Hòa bình là nguồn cảm hứng để biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Hòa bình cũng là ước mơ của bao người trên thế giới này. Thế nhưng, khủng bố luôn là một mối đe dọa lớn cho toàn nhân loại, và khủng bố hiện nay đã trở thành một vấn nạn có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.
Khủng bố là hoạt động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, hình ảnh hoặc video giết người do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện làm thiệt mạng người, đặc biệt là thường dân, hoặc gây tổn thất cho xã hội và cộng đồng để tác động vào tâm lý đối phương gây hoang mang khiếp sợ, nhằm mục đích chính trị hoặc tôn giáo. Khủng bố đã được thực hiện bởi một loạt các tổ chức chính trị để phát triển mục tiêu của họ. Nó đã được thực hiện bởi cả phe chính trị cánh hữu và cánh tả, các nhóm dân tộc, các nhóm tôn giáo, cách mạng, và các chính phủ cầm quyền. Một đặc tính thống nhất của khủng bố là việc sử dụng bừa bãi bạo lực đối với những người không có khả năng chống cự với mục đích là sự nổi tiếng cho một nhóm, một phong trào, một cá nhân hoặc gây áp lực lên đối thủ chính trị buộc họ phải chấp nhận một giải pháp chính trị có lợi cho mình. Các tổ chức khủng bố có thể khai thác nỗi sợ hãi của con người để hỗ trợ đạt được những mục tiêu này. Đối tượng bị khủng bố gây thiệt hại có thể là tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản (của cá nhân, tổ chức hay của nhà nước) hoặc sự vững mạnh của một chính quyền nhà nước.
Nguyên nhân của khủng bố là vô cùng phức tạp. Những kẻ khủng bố thường có mối quan hệ gia đình, bạn bè mật thiết trong một nhóm nhỏ, thường có đặc điểm văn hóa, dân tộc, tôn giáo, chính trị hoặc bộ tộc. Cái nhìn từ trong nhóm ra ngoài có vẻ lý tính: những kẻ khủng bố bảo vệ các cá nhân trong nhóm chống lại những yếu tố bên ngoài. Nhiều kẻ khủng bố cho rằng hành động của mình là tử vì đạo, họ sẽ được lên thiên đường, đồng thời giải thoát cho những kẻ khác trên thế giới này bằng con đường của bản thân. Lại có những kẻ vì trầm uất, vì chán nản thế giới mà quyết định khủng bố, trút giận lên tất cả mọi người.
Hậu quả của khủng bố là vô cùng nặng nề, nghiêm trọng. Bởi nó tác động đến toàn thể xã hội, gây bất an và náo động cho tất cả mọi người. Các khu vực này trở nên mất an toàn, rối loạn. Hơn thế nữa, biết bao gia đình sẽ mất đi người thân, sẽ đau khổ bởi những mất mát, những đau thương. Cá nhân của nạn nhân, nếu còn sống sót, họ sẽ phải mang vết sẹo tinh thần đến cuối đời. Sự kiện 11 tháng 9 chính là một trong những sự kiện để lại hậu quả nghiêm trọng nhất. Vụ tấn công khiến cho 2.996 người thiệt mạng và hơn 6.000 người khác bị thương. Con số thiệt mạng bao gồm 265 người trên bốn chiếc máy bay (không còn ai trên những chiếc máy bay này sống sót), 2.606 người trong Trung tâm Thương mại Thế giới và khu vực xung quanh, và 125 người tại Lầu Năm Góc. Gần như tất cả những người thiệt mạng là dân thường ngoại trừ 343 lính cứu hỏa, 72 sĩ quan hành pháp, 55 sĩ quan quân sự, và 19 tên khủng bố cũng đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Sau New York, New Jersey là tiểu bang mất nhiều công dân nhất, trong đó thành phố Hoboken có nhiều công dân thiệt mạng nhất trong vụ tấn công. Hơn 90 quốc gia có công dân bị thiệt mạng trong vụ tấn công 11 tháng 9. Vụ tấn công 11 tháng 9 năm 2001 đã trở thành vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất lịch sử thế giới và vụ tấn công từ nước ngoài chết người nhất trên đất Mỹ kể từ vụ tấn công vào Trân Trâu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941.
Vậy phải làm thế nào để xóa bỏ được nạn khủng bố trên toàn cầu? Trước hết, các quốc gia trên thế giới cần siết chặt những biện pháp an ninh, đảm bảo an toàn cho người dân. Có những bước đi lâu dài để ổn định nên hòa bình thế giới. Điều này cần có sự chung tay góp sức của các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, nhà trường và gia đình cần có sự quan tâm kịp thời để học sinh ngay từ khi còn nhỏ, giáo dục các em yêu thương mọi người, yêu thương cuộc sống, lạc quan, yêu đời và có nhận thức đúng đắn. Ngay cả bản thân mỗi người cần có sự vững tâm, suy nghĩ tích cực… Hơn thế, cần có những cuộc thi về đề tài chống khủng bố, cần tổ chức những buổi học để mọi người có kỹ năng đối phó khi xảy ra khủng bố.
Có thể nói, khủng bố là một vấn nạn vô cùng phức tạp, và không thể chấm dứt được nó trong một sớm một chiều. Nhưng bất kì ai trên thế giới này, những người yêu hòa bình, hãy cùng chung tay góp sức đẩy lùi nạn khủng bố toàn cầu, để trái đất trở thành một ngôi nhà hạnh phúc cho mọi người.
Nghị luận về hiện tượng khủng bố – Mẫu 3
Toàn cầu hóa là một quá trình mang đến cho nhân loại nhiều những thành tựu lớn lao. Thế nhưng bên cạnh đó còn có rất nhiều những điều tiêu cực mà điển hình đó chính là nạn khủng bố. Khủng bố không chỉ đe dọa một quốc gia mà nó còn là nỗi khiếp sợ của toàn nhân loại yêu hòa bình.
Chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề mà nguy cơ khủng bố vẫn đang ngày ngày rình rập con người. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn chưa quên được ngày 13/11/2015 trận khủng bố lịch sử đã cưới đi tính mạng của 129 người tại thủ đô Paris hoa lệ. Ở một đất nước văn minh và phát triển bậc nhất đó thế nhưng chưa bao giờ con người đang yên.
Điều đầu tiên chúng ta cần hiểu khủng bố là gì? Đó là một hình thức đấu tranh xã hội mang tính cực đoan, dùng bạo lực để giải quyết tất cả. Hiện nay, khủng bố tồn tại dưới nhiều hình thức bao gồm: khủng bố nhà nước, tổ chức khủng bố hoặc khủng bố cá nhân. Các phong trào khủng bố này đang là nỗi ám ảnh đối với những nước phát triển. Đặc biệt ở các quốc gia như Afganistan, Mỹ, Irad…
Vậy nguyên nhân của hiện tượng khủng bố này là gì? Điều đầu tiên mà có lẽ bất kì cuộc chiến tranh nào cũng xuất phát từ nó đó chính là do mâu thuẫn nội ích kinh tế. Khi mà các giai cấp, các lợi ích nhóm không thể giải quyết được thì người ta sẽ dùng khủng bố để định đoạt quyền lực chính trị, kinh tế. Ngoài ra thì nó còn do nguyên nhân mâu thuẫn tôn giáo, đảng phái. Và cũng có thể là sự độc ác vô nhân tính của mỗi cá nhân sẽ đẩy loài người vào sự chết chóc và đau thương.
Chúng ta hoàn toàn không thể phủ nhận những hậu qủa to lớn mà vấn nạn khủng bố đã gây ra cho toàn nhân loại. Những quốc gia bị đe dọa khủng bố luôn đứng trong sự suy sụp về kinh tế, thiệt hại về người và của dẫn đến bất ổn về xã hội. Con người bị đe dọa về tính mạng của cải và mạng sống. Nó vô tình tạo cho chúng ta một áp lực lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, khủng bố còn phá vỡ nền hòa bình của thế giới, đi ngược lại với khát vọng hòa bình của toàn nhân loại. Đồng thời nó cũng làm cho các quốc gia không thể phát triển kinh tế được. Vì thế khủng bố là kẻ thù mà tất cả quốc gia phải tìm cách loại trừ ra khỏi cuộc sống.
Vậy làm thế nào để loại trừ nạn khủng bố? Câu hỏi này đang là vấn đề nhức nhối không chỉ dành cho bất cứ quốc gia nào mà phải được chung tay bởi toàn nhân loại. Mấu chốt cốt lõi của khủng bố đó chính là mẫu thuẫn lợi ích dân tộc, kinh tế và giai cấp vì thế các nước đó phải giải quyết triệt để lợi ích nhóm để mang lại hòa bình cho con người. Chúng ta không thể giải quyết khủng bố bằng bạo lực bởi bạo lực sẽ nuôi dưỡng bạo lực. Cần phải kết hợp nhiều giải pháp với nhau một cách hài hòa và hiệu quả. Xây dựng sự công bằng, bình đẳng giữa các tầng lớp, khi đã không còn bóc lột thì xung đột sẽ ít xảy ra.
Đối với mỗi cá nhân chúng ta cần phải nhận thấy rằng khủng bố đang là một vấn nạn gây nên nhiều đau thương và phiền nhiễu cho xã hội. Từ đó hãy tỉnh táo trước mọi hành động kêu gọi khủng bố. Rèn luyện đạo đức, trí tuệ và chia sẻ với nỗi đau của cộng đồng.
Hòa bình chính là mục tiêu mà tất cả các quốc gia đều hướng tới. Nó không chỉ là khát vọng mà còn là mục đích sống còn của loài người. Chính vì thế chúng ta hãy cùng nhau chung tay đẩy lùi nạn khủng bố ra khỏi đời sống mang đến cho con người một môi trường trong lành và hạnh phúc.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bài văn mẫu lớp 9: Nghị luận về hiện tượng khủng bố Những bài văn mẫu lớp 9 hay nhất của Neu-edutop.edu.vn nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên để lại bình luận và đánh giá giới thiệu website với mọi người nhé. Chân thành cảm ơn.