Bạn đang xem bài viết Bạch hầu tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể truy cập nhanh thông tin cần thiết tại phần mục lục bài viết phía dưới.
Bệnh bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua đường hô hấp chính vì thế bệnh có thể nhanh chóng phát triển thành dịch. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, đây là một loại trực khuẩn cư trú và sống rất lâu trong giác mạc và hầu họng của người đang thời kỳ phục hồi sức khỏe.
Nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: viêm cơ tim, hoặc rối loạn dẫn truyền dẫn tới ngừng tim và tử vong, liệt cục bộ hay liệt toàn bộ cơ thể, viêm dạ dày, viêm gan.
Triệu chứng của bệnh bạch hầu
Tùy vào vị trí, thời gian và sự phân bố độc tố vi khuẩn trong cơ thể và tình trạng miễn dịch mà có những biểu hiện và triệu chứng khác nhau:
Sau khi thâm nhập vào cơ quan cư trú, từ 2 – 3 ngày độc tố vi khuẩn phát tán và người bệnh sẽ thấy đau họng, khàn tiếng, chán ăn, ho và sốt nhẹ. Tuy nhiên, dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện ra bệnh là xuất hiện giả mạc mặt sau và hai bên thành họng, chúng có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Đặc tính của giả mạc là rất dai, dính và dễ chảy máu. Người bệnh có thể có dấu hiệu kèm theo là khó thở, khó nuốt.
Từ 6 – 10 ngày, nếu kịp thời điều trị bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và dẫn tới tử vong. Bệnh nhân không có sốt cao, nhưng có các dấu hiệu khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, sưng to cổ hoặc có thể bị liệt.
Nếu vi khuẩn phát sinh ở mũi, họng hay thanh quản lại có những triệu chứng khác nhau:
Bạch hầu mũi: Bệnh thường gặp ở trẻ còn bú, triệu chứng ban đầu là chảy nước mũi kéo dài trong mấy ngày liền, ở một hoặc hai bên mũi, có khi lẫn thêm máu, loét môi và có mùi hôi. Bệnh có thể hình thành một màng ở vách mũi.
Bạch hầu thanh quản: bệnh này thường do bạch hầu họng lan xuống, bệnh gặp ở trẻ còn bú. Triệu chứng bắt đầu là tiếng ho khàn, rồi thở rít, co kéo hõm ức, vẻ mặt sợ hãi. Dấu hiệu khó thở ngày càng tăng, nếu không xử lý kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bạch hầu họng: Khi khám họng có thể dễ dàng nhìn thấy màng giả màu trắng xám ở họng. Nếu bóc lớp màng này sẽ gây chảy máu, bệnh nhân đột ngột đau họng, nhức đầu và khó chịu, đồng thời mạch quá nhanh so với tình trạng sốt nhẹ.
Ngoài ra, độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể gây tổn thương ở mắt, tai, âm đạo và ngoài da. Những tổn thương ngoài da là nguồn lây bệnh quan trọng từ người này sang người khác.
Nguyên nhân mắc bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh sang người lành hoặc người mang mầm bệnh.
Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi vi khuẩn phát tán ra xung quanh theo đường không khí và chờ cơ hội để xâm nhập vào cơ thể người khác.
Ngoài ra khi tiếp xúc qua da với người bệnh khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn Bạch Hầu.
Một con đường gây bệnh khác là do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bệnh như: nước mắt, nước mũi, nước bọt…
Nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, chúng sống rất lâu trong giả mạc và trong họng của những bệnh nhân đang ở thời kỳ lại sức, ở chỗ viêm, tới 6 tháng hoặc trên các đồ chơi của trẻ em bị bệnh bạch hầu, trên áo choàng của nhân viên y tế, trong các buồng điều trị bệnh bạch hầu.
Dưới ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, trực khuẩn bị chết sau vài giờ, ở nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút, còn trong phenol 1% hoặc cồn chỉ sống được 1 phút. Chung quy là chúng rất nhạy cảm với các yếu tố lý hóa.
Trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh bạch hầu nhất, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Cách điều trị bệnh bạch hầu
Để không bị bệnh bạch hầu, nên vệ sinh răng miệng và tránh tiếp xúc với đám đông. Sau khi đi vệ sinh nên rửa tay bằng xà phòng. Không nên sử dụng chung đồ vật với người khác, đặc biệt là đồ dùng cá nhân như khăn lau mặt, quần áo.
Khi phát hiện bị nhiễm bệnh, cần tiêm ngừa kháng độc tố bạch cầu (Serum Anti Diphtheriae- SAD) để giải độc tố của vi khuẩn, ngăn ngừa độc tác động lên tim, thận và hệ thần kinh. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh phù hợp để trị dứt điểm.
Các kháng sinh được dùng trong điều trị để diệt Corynebacterium diphtheriae là: Penicilin, Ampicilin, Erythromycin, Rifampycin, Clindamycin, Cephalosporin…
Trong thời gian điều trị ở bệnh viện cần phải tuyệt đối nghỉ ngơi từ 2 – 3 tuần để theo dõi, ngăn ngừa và điều trị các biến chứng hay chống bội nhiễm. Trong trường hợp nặng, tức là khi có biến chứng xảy ra với tim hay liệt, phải nhập viện và sau đó nghỉ ngơi ít nhất là 2 tháng. Nên ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ.
Bệnh nhân sẽ được xuất viện nếu tình hình bệnh có dấu hiệu tốt, khi lấy chất nhày họng cấy khuẩn âm tính, 2 lần cách nhau ít nhất 7 ngày. Sức khỏe dần hồi phục, hết sốt, hết nhày họng, lên cân và đặc biệt là hết các biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng bệnh bạch hầu
Cách duy nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm phòng khi bé còn nhỏ.
Hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu-ho gà-uốn ván-viêm gan B-viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2,3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc tiêm phòng vacxin là hoàn toàn miễn phí với trẻ nhỏ và có thể tiêm ở các cơ sở y tế phường, xã, hay các bệnh viện trên khắp cả nước.
Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly người bệnh ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.
Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Xem thêm Cách phòng chống bệnh bạch hầu
(Hình ảnh tổng hợp từ anginasymptoms.net, google,…)
Phó Giáo Sư, Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn
Bệnh viện Nhi Đồng 1
Cảm ơn bạn đã xem bài viết Bạch hầu tại Neu-edutop.edu.vn bạn có thể bình luận, xem thêm các bài viết liên quan ở phía dưới và mong rằng sẽ giúp ích cho bạn những thông tin thú vị.