Chưa đầy hai tuần nữa, học sinh TP HCM bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Đề thi Văn của thành phố nhiều năm qua được đánh giá thú vị, sáng tạo, không kém phần thách thức với thí sinh. Năm nay, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn không thay đổi, với ba phần Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm). Thời gian làm bài trong 120 phút.
Với kinh nghiệm ôn tập và chấm thi môn Văn trong các kỳ thi vào lớp 10 ở TP HCM, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Du, đưa ra một số lưu ý với học sinh trong quá trình ôn tập:
Với phần Đọc hiểu, ngữ liệu có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, khoa học. Các câu hỏi trong phần này được sắp xếp từ dễ đến khó. Tuy nhiên, khó ở đây không có nghĩa là phức tạp, câu hỏi khó chỉ dừng ở mức độ vận dụng. Học sinh chỉ cần hiểu đúng vấn đề, nắm vững kỹ năng là có thể hoàn thành tốt yêu cầu của đề bài.
Khi luyện tập, học sinh cần tránh thói quen đọc ngữ liệu ngay từ đầu. Việc đầu tiên cần làm là đọc các câu hỏi để nắm được yêu cầu, rồi mới đọc ngữ liệu. Khi đọc, học sinh dùng bút gạch chân, ghi chú các chi tiết dùng để trả lời. Câu trả lời cần được viết thành một câu hoàn chỉnh, đủ chủ ngữ – vị ngữ, tránh viết tắt, viết từ khóa hay câu cụt. Ngoài ra, các em cần hạn chế việc đảo thứ tự câu, gây khó khăn và nhầm lẫn cho giám khảo, dẫn tới mất điểm.
Khi ôn tập phần Đọc hiểu, ngoài kiến thức Tiếng Việt lớp 9, học sinh cần ôn về phương thức biểu đạt, biệt pháp tu từ, kỹ năng đặt câu, viết đoạn đã học ở lớp dưới. Yêu cầu cao nhất của phần này là viết đoạn văn hoàn chỉnh.
Ngoài ra, học sinh luyện giải nhiều đề thực tế, cố gắng làm cẩn thận để có điểm tối đa vì phần này dễ lấy điểm hơn các phần khác.
Với phần nghị luận xã hội, thí sinh cần nắm chắc hai dạng bài: Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý. Để làm tốt, các em cần thường xuyên theo dõi tin tức thời sự trên các kênh chính thống để tăng hiểu biết, có cái nhìn đầy đủ về một vấn đề cụ thể, tìm được dẫn chứng hay cho bài văn nghị luận xã hội.
Luyện viết là cách tốt nhất để ôn tập. Tuy nhiên, đề tài nghị luận xã hội không có giới hạn, nên học sinh có thể tham khảo các đề trên mạng hoặc tài liệu tham khảo để luyện cách lập dàn ý và viết.
Kỹ năng yếu nhất của nhiều em là trình bày dẫn chứng như lấy dẫn chứng quá quen thuộc hoặc không phù hợp. Chẳng hạn, chỉ riêng câu chuyện Edison thất bại hàng nghìn lần trước khi sáng chế ra bóng đèn dây tóc đã được đưa vào nhiều chủ đề như nghị lực, ước mơ, lòng quyết tâm hay cả những đề bài không liên quan như đức hy sinh, lối sống đẹp.
Do đó, các em cần học cách đưa dẫn chứng vào bài và nhờ thầy cô giáo của mình xem, góp ý thêm.
Nghị luận văn học là phần tương đối nặng hơn so với hai phần trước. Ở phần này, thông thường học sinh được chọn một trong hai đề.
Câu một thường cho học sinh chọn một tác phẩm được nêu, cảm nhận và chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc liên hệ đến tác phẩm, tình huống khác để rút ra bài học. Để thực hiện tốt yêu cầu này, học sinh cần ôn tập theo chủ đề. ví dụ như chủ đề về tình yêu đất nước, lao động, người lính, tình cảm gia đình.
Khi ôn, các em cố gắng chỉ ra mối tương quan giữa các tác phẩm, chú trọng những đoạn, chi tiết làm nên giá trị tinh thần cốt lõi của chúng. Yêu cầu quan trọng là nắm vững phương pháp nghị luận một tác phẩm truyện, bài thơ, đoạn thơ. Khi đã nắm vững phương pháp cơ bản, học sinh mới tiếp tục luyện thêm những dạng đề có tính liên hệ, mở rộng.
Nếu có thời gian, các em nên đọc thêm một số tác phẩm ngoài sách giáo khoa, có cùng chủ đề với tác phẩm đã được học để dễ liên hệ khi làm bài.
Câu số hai thường đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết. Trải nghiệm trong trường hợp này bao gồm cả trải nghiệm văn học và trải nghiệm cuộc sống. Học sinh cần kết nối hiểu biết của mình về văn học và đời sống để hoàn thành bài.
Các em cần biết xây dựng các luận điểm để làm rõ vấn đề và quan điểm của bản thân, biết sử dụng các tác phẩm văn học đã học hoặc trong phạm vi đề, làm dẫn chứng để tăng tính thuyết phục cho quan điểm của mình.
Võ Kim Bảo (giáo viên Ngữ văn trường THCS Nguyễn Du, TP HCM)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/ba-luu-y-on-thi-ngu-van-vao-lop-10-o-tp-hcm-4608630.html