Rolling Fork nằm cách thành phố Jackson, thủ phủ bang Mississippi, khoảng 90 phút lái xe về phía bắc. Giống như nhiều khu vực khác, nơi này đang phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu.
Vệ tinh Maxar của Maxar Technologies – công ty công nghệ vũ trụ có trụ sở chính tại Westminster, bang Colorado, Mỹ – chụp ảnh bằng chứng về sự tàn phá của lốc xoáy hôm 24/3 từ quỹ đạo Trái Đất. Những hình ảnh này cung cấp thông tin giúp khắc phục thảm họa. Chúng cho thấy các ngôi nhà, tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác bị cơn lốc phá hủy trên đường di chuyển từ phía tây nam sang đông bắc, qua trung tâm Rolling Fork.
Lốc xoáy hôm 24/3 được xếp loại EF4 trong thang đo sức mạnh của lốc xoáy EF, gồm các cấp từ EF0 đến EF5, sức mạnh tăng dần. Số lượng lốc xoáy EF4 chỉ chiếm khoảng 1%, theo Trung tâm Dự báo Bão. Nhà khí tượng học Bill Parker cho biết, ước tính sức gió tối đa ở thị trấn Rolling Fork là 274 km/h.
Rolling Fork có dân số 1.883 người với thu nhập hộ gia đình trung bình khoảng 38.500 USD vào năm 2020, theo số liệu điều tra dân số của Mỹ. Khoảng 20% dân số sống dưới mức nghèo khổ và đa số gia đình là người da đen hoặc người Mỹ gốc Phi. Con số thương vong và thiệt hại về tài sản vẫn đang được thống kê.
Mỹ là nơi hứng chịu nhiều lốc xoáy nhất thế giới, trung bình 1.150 cơn mỗi năm, nhiều hơn số lượng lốc xoáy ở Canada, Australia và tất cả các nước châu Âu cộng lại. Tại Mỹ, mọi bang đều hứng chịu ít nhất một cơn lốc xoáy mỗi năm, một số bang thậm chí hứng chịu hàng chục cơn.
Lốc xoáy hình thành khi hội tụ đủ các yếu tố là không khí ấm và ẩm gần mặt đất, không khí lạnh ở cao hơn trong khí quyển, những cơn gió chồng lên nhau khi di chuyển với tốc độ và hướng khác nhau. Ít nơi trên thế giới hội tụ đủ những điều này, và không đâu có thể sánh với vùng Đại Bình Nguyên Bắc Mỹ, khu vực nằm ở phía tây sông Mississippi và phía đông dãy núi Rocky.
Thu Thảo (Theo Space, ABC News)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/anh-ve-tinh-ve-suc-tan-pha-cua-loc-xoay-o-my-4586274.html