Năm 2020 và 2022, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội diễn ra với ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba bài thi, trong đó Toán và Văn hệ số hai, cùng điểm ưu tiên. Điểm thi tối đa mà thí sinh có thể đạt là 50. Năm 2021, học sinh Hà Nội phải thi thêm môn thứ tư là Lịch sử. Với cách tính điểm tương tự, điểm tối đa là 60.
Do đó, để xác định biến động điểm chuẩn của một trường, điểm trung bình mỗi môn được dùng làm căn cứ. Theo thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, việc so sánh điểm chuẩn hàng năm kết hợp với ý kiến của giáo viên, kết quả các bài kiểm tra thử giúp phụ huynh và học sinh biết mình ở mức nào để đặt nguyện vọng hợp lý.
Biến động điểm chuẩn vào lớp 10 của 116 trường THPT tại Hà Nội
Hiện, Hà Nội có 116 trường THPT công lập, trong đó ba trường THPT Khương Hạ (quận Thanh Xuân), Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) và Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chương Mỹ) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021, THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất) năm 2022.
Trong ba năm 2020-2022, trừ bốn trường mới thành lập, 99/112 trường tăng điểm chuẩn trung bình môn, tương đương 88,4%. Điều này từng được Sở Giáo dục và Đào tạo dự đoán sau khi thống kê số điểm 10 môn Toán, Ngoại ngữ và điểm 9 môn Văn của học sinh tham dự kỳ thi năm 2022.
Việc phần lớn trường tăng điểm chuẩn một phần do số học sinh đăng ký xét tuyển vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội tăng không ngừng trong ba năm qua, từ 89.000 lên 107.000. Chênh lệch giữa tổng số thí sinh dự thi và tổng chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập trong ba năm dao động 25.000-30.000 em, trong đó năm 2022 cao kỷ lục.
Tại các khu vực nội thành, mức độ cạnh tranh căng thẳng hơn. Quận Cầu Giấy, tỷ lệ chọi trên 1/2,66, tức là trong 26 em thi, có 10 em trượt. Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa thấp hơn một chút, khoảng 20 em thi nhưng chỉ một nửa trúng tuyển. Trong số này, không quận nào có quá bốn trường THPT công lập, số thí sinh đăng ký đều gấp đôi “sức chứa” của các trường.
Trong số 10 trường giảm điểm, trừ THPT Kim Liên, còn lại đều thuộc khu vực ngoại thành như Thạch Thất, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Tám trường trong số này cũng giảm tỷ lệ chọi so với năm 2020 và 2021.
Về mức giảm, THPT Bắc Lương Sơn (huyện Thạch Thất) giảm mạnh nhất với 0,6 điểm mỗi môn. Còn lại, mức giảm phổ biến là dao động 0,2-0,4.
Ba trường THPT không biến động điểm chuẩn trong giai đoạn 2020-2022 là Chu Văn An (quận Tây Hồ), trung bình 8,65 điểm mỗi môn, Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) và Ứng Hòa B (huyện Ứng Hòa), cùng lấy 3,8 điểm.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, số học sinh lớp 9 năm nay là hơn 129.000 em. Khoảng 72.000 em sẽ được tuyển vào THPT công lập (55,7%), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%), còn lại vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào trường công lập tương tự năm ngoái.
Thầy Nguyễn Cao Cường cho rằng, trong ba nguyện vọng, thí sinh có thể đặt nguyện vọng 1 vào nhóm trường top đầu, thường lấy điểm chuẩn 8-8,5 điểm mỗi môn. Trường đặt nguyện vọng hai cần có điểm chuẩn thấp hơn 5-7 điểm để “an toàn”, còn nguyện vọng ba nên chọn các trường “rất thấp”.
“Làm cách này, nếu sơ sẩy, các em vẫn còn cơ hội học công lập”, thầy Cường nói.
Kỳ thi vào lớp 10 năm 2023 tại Hà Nội diễn ra vào 10 và 11/6. Thí sinh làm bài thi Toán và Ngữ văn theo hình thức tự luận với thời gian 120 phút mỗi môn. Với môn Ngoại ngữ, thí sinh thi trắc nghiệm trong 60 phút.
Điểm chuẩn dự kiến được công bố vào ngày 8-9/7, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến hoặc trực tiếp. Từ ngày 18/7, những trường chưa đủ chỉ tiêu bắt đầu xét tuyển bổ sung.
Thanh Hằng
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/88-truong-cong-lap-ha-noi-tang-diem-chuan-ba-nam-qua-4593481.html