Hạ đường huyết phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, lượng đường trong máu xuống dưới 70 mg/dL có thể xảy ra ở những người không mắc bệnh này. Có nhiều yếu tố gây hạ đường huyết không do tiểu đường như: sử dụng rượu, nồng độ một số hormone thấp, sản xuất quá mức insulin…
Uống rượu: Rượu cản trở quá trình điều chỉnh lượng đường trong máu bình thường, tạo ra các mức cao, thấp khác nhau, góp phần gây ra chứng rối loạn sử dụng rượu. Tình trạng này xảy ra ở những người có cơ địa nhạy cảm với tác dụng của rượu. Các phản ứng trong cơ thể xảy ra nhanh khiến bạn bị ngất hoặc ngủ li bì, một số trường hợp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mọi người nên uống rượu sau bữa ăn hoặc khi bụng đã no. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh giúp giảm bớt tác động của rượu với lượng đường trong máu, duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Bệnh tiềm ẩn: Một số bệnh tìm ẩn như suy thận bệnh thận góp phần làm cho lượng đường trong máu thấp. Người mắc bệnh thận hay gặp các vấn đề trong việc thải insulin, giảm quá trình tạo glucose (đường), chuyển hóa thuốc chậm gây hạ đường huyết. Người bệnh cũng gặp khó khăn trong ăn uống, chán ăn khiến việc duy trì mức glucose cần thiết không thuận lợi.
Gan là trung tâm giúp duy trì mức glucose cân bằng, người bệnh mắc viêm gan, ung thư gan, bệnh dự trữ glycogen khiến gan to… đều có thể bị hạ đường huyết tự phát.
Thiếu hụt nội tiết tố: Ngoài insulin, các hormone khác như hormone tăng trưởng từ tuyến yên và cortisol từ tuyến thượng thận cũng tác động đến quá trình điều hòa glucose. Đường huyết có thể hạ liên tục khi mắc các bệnh lý như rối loạn tuyến thượng thận như bệnh Addison hoặc rối loạn tuyến yên . Ngoài ra, thay đổi nội tiết tố trong bệnh suy giáp (nồng độ hormone tuyến giáp thấp) cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp. Hiệu ứng này xảy ra ở cả trẻ em và người lớn bị suy giáp.
Sản xuất quá mức insulin: Một khối u tuyến tụy hiếm gặp được gọi là insulinoma có thể kích thích cơ thể sản xuất nhiều insulin hơn mức cơ thể cần, gây hạ đường huyết. Phụ nữ trong độ tuổi 40-60 thường bị ảnh hưởng nhất bởi insulinoma. Sản xuất quá nhiều insulin cũng là một vấn đề của những người vừa phẫu thuật giảm cân.
Hội chứng tự miễn dịch insulin: Hội chứng tự miễn insulin là tình trạng cơ thể tạo ra các kháng thể tấn công insulin. Khi insulin bị tấn công, nó phải làm việc nhiều hơn để điều chỉnh lượng đường trong máu. Hội chứng phát triển phổ biến ở người trưởng thành. Về lâu dài, bệnh gây tổn thương vĩnh viễn tuyến tụy.
Hạ đường huyết phản ứng: Hạ đường huyết phản ứng hay còn gọi là hạ đường huyết sau ăn thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn. Nguyên nhân gây hạ đường huyết phản ứng ở hầu hết mọi người có thể liên quan đến một loại thực phẩm cụ thể hoặc do sự thay đổi về thời gian thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa.
Hạ đường huyết không do tiểu đường có triệu chứng từ nhẹ đến nặng bao gồm: lo lắng, chóng mặt, nhức đầu, đói, run, đổ mồ hôi, bất tỉnh… Khi không được điều trị, có thể gây nguy hiểm. Các triệu chứng nghiêm trọng bao gồm: co giật, không có khả năng ăn uống, yếu cơ, nói lắp, nhìn mờ, bất tỉnh… Tình trạng này còn liên quan đến các vấn đề sức khỏe lâu dài, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.
Để giữ cho lượng đường trong máu ổn định, người bệnh nên điều chỉnh các loại thuốc đang sử dụng, quản lý các bệnh tiềm ẩn gây hạ đường huyết, thay đổi chế độ ăn uống bằng cách tăng tiêu thụ carbohydrate phức tạp, ngũ cốc nguyên hạt và đậu, chọn bữa ăn cân bằng với chất xơ và protein. Khi bị hạ đường huyết không do tiểu đường, người bệnh có thể ăn một viên kẹo cứng, trái cây khô hoặc uống nước trái cây, uống nước thể thao hoặc đồ ăn nhẹ sau khi tập luyện cường độ cao.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/6-nguyen-nhan-gay-ha-duong-huyet-khong-do-tieu-duong-4591497.html