Nhiễm khuẩn H.P (Helicobacter Pylori) xảy ra khi vi khuẩn lây nhiễm vào dạ dày, gây viêm hoặc loét dạ dày. Đây là một trong những yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm vi khuẩn này cũng bị ung thư dạ dày.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh (Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, các yếu tố tăng nguy cơ nhiễm H.P có liên quan đến điều kiện sống, có thể phòng lây nhiễm khuẩn bằng cách nhận biết các yếu tố này.
Ăn uống chung đụng
Vi khuẩn H.P tồn tại trong dịch vị dạ dày, nước bọt, mảng bám răng nên có thể lây truyền từ người này sang người khác khi dùng chung bát đũa, chải đánh răng, khi hôn hay người lớn mớm cơm cho trẻ. Sống chung nhà với nhiều người như ký túc xá, gia đình nhiều thế hệ… có thể làm tăng nguy cơ nhiễm loại vi khuẩn này. Mọi người cần tránh ăn uống chung đụng, thực hành tốt vệ sinh, rửa tay sạch sẽ, không sử dụng lẫn những dụng cụ chế biến thức ăn chín và thức ăn sống.
Nguồn nước, thực phẩm không đảm bảo
H.P gây ra những thay đổi đối với dạ dày và tá tràng (phần đầu tiên của ruột non). Vi khuẩn lây nhiễm các mô bảo vệ lót dạ dày, dẫn đến việc giải phóng một số enzyme và độc tố, kích hoạt hệ thống miễn dịch. Những yếu tố này có thể trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn thương các tế bào của dạ dày hoặc tá tràng, dẫn đến viêm mạn tính ở thành dạ dày (viêm dạ dày) hoặc tá tràng (viêm tá tràng).
Cơ thể đào thải H.P ra ngoài môi trường qua đường phân. Vi khuẩn có thể lây lan qua việc tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm sinh vật được bài tiết trong phân của những người bị nhiễm bệnh. Do vậy, ảnh hưởng của môi trường, nhất là vệ sinh, mức sống và nguồn nước đóng vai trò quan trọng. Tỷ lệ nhiễm H.P giảm khi điều kiện vệ sinh và mức sống được cải thiện.
Sống ở nơi đông đúc, ít phát triển
Tiến sĩ Khanh chia sẻ, H.P là loại vi khuẩn phổ biến ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số thế giới. Những người sống ở các nước đang phát triển có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Điều này có thể là do điều kiện sống đông đúc và tình trạng vệ sinh không đảm bảo (vệ sinh cá nhân, nguồn nước…) phổ biến hơn ở các nước đang phát triển. Hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều mắc phải trong thời thơ ấu với tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở châu Phi và châu Á.
Sống chung với người bệnh
Sống chung với người bị nhiễm H.P làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Ở các nước đang phát triển, nhiều người thường bị nhiễm khuẩn H.P từ sớm và tồn tại trong dạ dày đến sau này. Con đường lây truyền có thể từ người sang người qua đường phân hoặc miệng.
Nội soi với dụng cụ nhiễm khuẩn
Nguy cơ nhiễm khuẩn H.P có thể xảy ra khi thăm khám và thực hiện nội soi đường tiêu hóa. Nếu dây nội soi và dụng cụ không được khử khuẩn đúng quy trình, vi khuẩn H.P có thể bám lại và thâm nhập vào cơ thể người tiếp theo được nội soi. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh mắc viêm loét dạ dày và các bệnh đường tiêu hóa ngày càng gia tăng. Do đó, bác sĩ khuyên người bệnh lựa chọn các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa tiêu hóa với cơ sở vật chất đảm bảo, hệ thống khử khuẩn đạt tiêu chuẩn.
Người có các triệu chứng như đau hoặc nóng rát ở bụng, đau dạ dày nặng khi bụng đói, buồn nôn, ăn mất ngon, thường xuyên ợ hơi, đầy hơi, giảm cân ngoài ý muốn… cần thăm khám. Từ đó, nếu mắc bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều trị nhằm hạn chế tối đa tiến triển của bệnh.
Lục Bảo
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/5-yeu-to-tang-nguy-co-nhiem-khuan-h-p-4590733.html