UBND tỉnh Quảng Nam hôm 18/5 yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phải giải trình, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và rút kinh nghiệm về việc này. Ngoài ra, Sở phải khẩn trương thực hiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu để phát sữa cho học sinh từ đầu năm học tới.
Trước đó, Quảng Nam thực hiện chương trình Sữa học đường từ năm 2020 đến 2022, với kinh phí hơn 50 tỷ đồng. Trẻ em và học sinh ở 6 huyện miền núi khó khăn của tỉnh sẽ được uống sữa miễn phí hàng ngày để tăng dinh dưỡng, giúp phát triển thể chất.
Tháng 7/2022, Quảng Nam quyết định chi 151 tỷ đồng để triển khai tiếp chương trình đến năm 2026. Khoảng 30.000 trẻ em mẫu giáo, tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III được uống một hộp sữa 180 ml mỗi ngày đi học, trong 9 tháng của năm học. Trong năm học 2022-2023, số tiền chi cho việc này là 21,5 tỷ đồng, được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Tuy nhiên, khi năm học gần kết thúc, học sinh vẫn chưa có sữa để uống. Nhiều cử tri đã phản ánh đến HĐND tỉnh Quảng Nam.
Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, nói việc triển khai bị chậm do vướng mắc trong tổ chức đấu thầu. Theo ông Tường, trước đây Sở căn cứ theo Thông tư 31 của Bộ Y tế về yêu cầu đối với sữa tươi dùng trong chương trình Sữa học đường, để mời chào hàng, nhưng thông tư này đã bị hủy bỏ hồi tháng 4.
“UBND tỉnh giao cho Sở Giáo dục, Sở Tài chính, Sở Y tế ngồi lại bàn nhưng cũng chưa tìm ra quy chuẩn, nên vướng về hồ sơ”, ông Tường nói. Ngoài ra, năm học bắt đầu từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau nhưng ngân sách giao theo năm tài chính, từ tháng 1 đến tháng 12 hàng năm. Do đó, khi gặp vướng mắc, làm các thủ tục, quy trình đến tháng 5 thì hết năm học.
Ông Tường cho hay đã báo cáo UBND tỉnh, đề nghị giao Sở Công thương xem xét quy chuẩn để làm căn cứ mời thầu cung cấp sữa cho học sinh. Đồng thời, Sở Giáo dục cố gắng hoàn thiện các thủ tục đấu thầu.
“Đầu năm học 2023-2024, chắc chắn học sinh được uống sữa học đường trở lại”, ông nói.
Chương trình Sữa học đường được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7/2016, kéo dài tới năm 2020, nhằm cải thiện dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc của trẻ mầm non và tiểu học. Kinh phí chương trình gồm nguồn huy động từ doanh nghiệp, gia đình học sinh và sự hỗ trợ của ngân sách địa phương, tùy theo khả năng.
Trong đó, Bộ Y tế được giao xây dựng và ban hành quy định về sản phẩm làm căn cứ để ngành giáo dục triển khai. Thực tế, năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 31, quy định 21 loại vi chất với sản phẩm sữa học đường. Tuy nhiên, giữa tháng 4/2023, Bộ Y tế ra văn bản bãi bỏ thông tư này do thời gian thực hiện chương trình Sữa học đường đã hết.
Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/30-000-hoc-sinh-khong-co-sua-uong-vi-cham-tre-cua-so-giao-duc-4608148.html